I. Các cấp tổ chức của thế giới sống
- Thế giới sống được tổ chức theo các cấp độ khác nhau từ thấp đến cao, các cấp tổ chức của thế giới sống bao gồm: Nguyên tử, phân tử, bào quan, tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái - sinh quyển. Trong đó các cấp tổ chức: Tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái - sinh quyển được gọi là các cấp tổ chức cơ bản của thế giới sống.
- Tế bào được xem là cấp tổ chức cơ bản nhất của thế giới sống.
II. Đặc điểm chung của thế giới sống
1. Được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc
- Các hệ thống sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc từ thấp đến cao. Tổ chức cấp dưới làm nền tảng xây dựng tổ chức cấp trên. Ví dụ: mô được hình thành từ các tế bào, cơ quan được hình thành từ các mô, cơ thể được hình thành từ các cơ quan và hệ cơ quan...
- Một cấp tổ chức nào đó luôn mang đặc điểm của những cấp thấp hơn nhưng lại có thêm những đặc điểm nổi trội mà các cấp thấp hơn không có. Ví dụ: Các tế bào thần kinh riêng lẽ chỉ có khả năng tiếp nhận, dẫn truyền xung thần kinh, nhưng khi tập hợp lại thành bộ não thì lại có thêm những khả năng mới như: tư duy, tình cảm....Các đặc điểm nổi trội của một tổ chức có được là do sự tương tác giữa các bộ phận cấu thành tổ chức đó.
- Các vật sống có các đặc điểm mà vật không sống không có như: trao đổi chất - năng lượng, sinh trưởng, phát triển, cảm ứng - vận động, sinh sản, thích nghi. Các đặc điểm đó đều được hình thành do sự tương tác giữa các bộ phận cấu thành hệ sống theo các nguyên tắc vật lí, hóa học trong tự nhiên.
2. Hệ sống là hệ mở, tự điều chỉnh
- Các hệ sống là một hệ mở, luôn trao đổi vật chất, trao đổi năng lượng và thông tin với môi trường. Ví dụ: Tế bào thường xuyên lấy các chất từ bên ngoài vào bên trong, đào thải một số chất khác ra ngoài; cơ thể động vật thường xuyên tiếp nhận các kích thích từ môi trường và đưa thông tin ra môi trường xung quanh (âm thanh, điệu bộ, mùi...); cây thường xuyên hấp thu năng lượng ánh sáng để chuyển hóa thành năng lượng trong các hợp chất hữu cơ...
- Mọi cấp tổ chức sống từ thấp đến cao đều có các cơ chế tự điều chỉnh đảm bảo duy trì và điều hòa sự cân bằng động trong hệ thống. Ví dụ: Hàm lượng đường trong máu của người được duy trì ở mức ổn định, đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường. Nếu cơ chế duy trì đường huyết bị rối loạn sẽ gây ra nhiều bệnh lí khác nhau và có thể gây tử vong.
3. Thế giới sống liên tục tiến hóa
- Hiểu một cách đơn giản, tiến hóa là biến đổi theo hướng thích nghi
- Hệ sống có 2 đặc tính quan trọng là di truyền và biến dị:
+ Di truyền: Là khả năng bảo tồn những đặc điểm đã có ở thế hệ trước đó.
+ Biến dị: Là khả năng tạo ra những thay đổi so với thế hệ trước đó.
- Sự sống được tiếp diễn liên tục nhờ thông tin trên ADN được di truyền liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, các sinh vật trên trái đất đều mang những đặc điểm của tổ tiên ban đầu. Tính di truyền đảm bảo duy trì các đặc tính đặc trưng của sinh vật qua các thế hệ.
- Bên cạnh đó, các biến dị luôn phát sinh, tạo ra các đặc điểm mới. Sự thay đổi của ngoại cảnh sẽ chọn lọc giữ lại các dạng sống thích nghi với các loại môi trường khác nhau. Dần dần, từ một tổ tiên chung, sinh vật biến đổi thành nhiều dạng sống khác nhau
- Tất cả các sinh vật trên trái đất đều bắt nguồn từ một tổ tiên chung, do đó chúng có nhiều đặc điểm giống nhau. Tuy nhiên, do được chọn lọc theo các hướng khác nhau và lâu dần, tạo ra thế giới sinh vật đa dạng và phong phú.
CÂU HỎI ÔN TẬP
Câu 1: Điểm khác biệt cơ bản nhất về cấu trúc của hệ sống và hệ không sống là gì?
Câu 2: Hãy liệt kê các cấp tổ chức sống cơ bản có trong cơ thể người. Tại sao nói tế bào là cấp tổ chức cơ bản nhất của thế giới sống?
Câu 3: Nêu những đặc tính nổi trội của quần thể so với cá thể. Những đặc điểm đó có được là do đâu?
Câu 4: Tại sao nói hệ sống là một hệ mở, tự điều chỉnh?
Câu 5: Sinh vật trên trái đất ngày nay tuy đa dạng nhưng thống nhất.
a) Hãy nêu các dẫn chứng ủng hộ nhận định trên.
b) Tại sao thế giới sinh vật ngày nay lại đa dạng nhưng thống nhất?
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaHay lắm ạ
Trả lờiXóaMany thanks, :)
Xóacâu hỏi ôn tập ko có đ/án hả thầy :(((
Trả lờiXóa